Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt kiểu mới trong kiến trúc đô thị hiện đại

Bãi rác – “độc âm sát” trong phong thủy học truyền thống

Theo phong thủy học truyền thống, về nguyên tắc, người dân tránh xây dựng nhà ở những nơi phạm sát khí, trong đó, một số nơi có yếu tố “độc âm sát” đối với sức khỏe và đời sống hằng ngày như: Bãi rác chứa chất thải, đường giao thông nơi tập kết, trung chuyển rác thải, nhà máy tập kết chôn lấp, đốt rác thải sinh hoạt, đốt rác y tế, lò thiêu,… Vì các vấn đề sức khỏe và môi trường sinh sống, khi người dân chọn đất cất nhà, nói chung là nên tránh những khu vực trên, cách xa khoảng 10km bán kính tính từ nơi có bãi rác thải lớn và những khu vực lớn tập kết trung chuyển rác.

“Núi” rác ở bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM – Ảnh: Quang Định – Tuổi Trẻ Online.

Vậy phong thủy học hiện đại có hóa giải “độc âm sát” được không?

Chức năng của phong thủy chính là nắm bắt tính vĩ mô việc điều hòa quan hệ giữa các hệ thống, ưu điểm hóa kết cấu, tìm được tổ hợp tốt nhất. Nguyên tắc chỉnh thể là nguyên tắc chung của phong thủy học,… quan hệ giữa người xử lý nguyên tắc chỉnh thể và môi trường là điểm căn bản và điểm xuất phát của phong thủy học hiện đại. (Phong thủy toàn thư – NXB Hồng Đức, 2015.)

Trong phần phân tích Yếu lĩnh Phong thủy, có thể tìm ra cách hóa giải một vùng đất xấu (như bãi rác) trở thành một hình thái công viên, với các yêu cầu cần đạt được như sau:

  • Công viên thoáng rộng, nhiều cây xanh, không phải nơi bỏ hoang, không tập kết rác thải bừa bãi, hôi thối;
  • Bố cục tốt các phân khu chức năng và khu vực nhà ở, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư;
  • Nhà cửa gần khu công viên, có khoảng không gian sân nhà, lề đường tương đối rộng đối diện công viên, được coi là có minh đường thoáng rộng, vận khí hanh thông, giúp con người có tinh thần sảng khoái, tầm nhìn xa rộng.

Trong phần tiếp theo, chúng ta xem trên thế giới và trong nước đã có những mô hình hóa giải nào phù hợp.

Đan Mạch: biến nhà máy đốt rác phát điện thành một tổ hợp đa chức năng – vùng đất vượng khí mới

Không ai muốn sinh sống, làm hàng xóm với một khu vực có bãi rác, hay một nhà máy xử lý rác thải! Tuy nhiên, nếu một nhà máy xử lý rác thải được thiết kế thành một nơi giải trí ngoài trời, kết hợp tập luyện thể thao cho cư dân thì sao?

Tại Đan Mạch, nhà máy đốt rác thải ARC (Amager Ressource Center), nằm cách thành phố Copenhagen chỉ 3 km, được BIG Architects thiết kế như một công viên thành phố. Với diện tích 41.000 m2, cao hơn 120 mét, được bao phủ bởi một thảm thực vật xanh như một ngọn đồi nhỏ, ARC có bức tường leo núi nhân tạo cao tới 85 mét, một khu trượt tuyết rộng 14.000 m2 và một loạt các khu vực thể thao và giải trí ngoài trời, quán bar café giành cho cư dân. ARC luôn mở cửa cho người dân và khách du lịch vào tham quan hoạt động xử lý rác thải và các dây chuyền trong nhà máy.

Nhà máy xử lý Amager (còn được gọi là Copenhill) ở Copenhagen. Ảnh: Arquitecturaviva.com

Tầm nhìn ra toàn bộ thành phố Copenhagen khi đứng trên tầng cao nhất của nhà máy xử lý rác ARC.

Không gian thể thao ngoài trời xung quanh nhà máy xử lý rác ARC.

Mục tiêu của ARC là sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Nó đốt chất thải sinh hoạt của cộng đồng hơn 500.000 cư dân và 46.000 công ty ở thành phố Copenhagen. Ngoài ra, nhà máy tái sử dụng 90% chất thải kim loại của Copenhagen và thu hồi 100 triệu lít nước dự phòng mỗi năm bằng phương pháp ngưng tụ khí thải. Tro dưới đáy trong lò đốt có công suất 100.000 tấn được sử dụng làm nguyên liệu cho các con đường trải nhựa. (Cafebiz)

Việt Nam: “Cần Giờ Xanh’ và mô hình kinh tế tuần hoàn của Tp HCM.

Trong những ngày 13 – 17/9/2023 vừa qua, tại Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh – GRECO 2023, Công ty Môi trường Đô thị Tp. HCM đã đưa ra các ý tưởng về mô hình kinh tế tuần hoàn, hành trình hướng tới giảm phát thải về 0. Trong đó, ý tưởng xây dựng các nhà máy đốt rác (công suất 1.000 tấn/ngày) để sản xuất điện và năng lượng nhiệt là giải pháp “Xanh”, không những giải quyết được vấn nạn phát thải gây ô nhiễm hiện nay, mà còn giúp giảm thiểu xử lý rác tại các bãi chôn lấp và mang lại môi trường sống hài hòa cho thành phố.

Dự án Trung tâm xử lý tái chế chất thải Tp. HCM được giới thiệu tại triển lãm GRECO 2023. Ảnh: Nhật Vinh.

Trước đó, từ năm 2013, Công ty Môi trường Đô thị Tp. HCM đã thí điểm công tác phân loại rác tại 6 tuyến đường và một chung cư trên địa bàn quận Tân Phú, có khoảng 1.400 hộ tham gia, lượng rác hữu cơ được phân loại từ chương trình này gần 3 tấn/ngày được đưa về cho Công ty cổ phần Vietstar sản xuất phân bón, phần rác có thể tái chế được đưa về các đơn vị thực hiện tái chế, việc tuyên truyền còn lồng ghép đổi quà cho các hộ dân đã thực hiện tốt việc phân loại rác.

Theo Công ty Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN), trong công tác quản lý chất thải rắn, thứ tự ưu tiên như sau: giảm thiểu phát thải – tái sử dụng – tái chế – xử lý – tiêu hủy. Trong đó, các phương pháp xử lý chất thải rắn được áp dụng là: chôn lấp chất thải, tái chế chất thải, thiêu đốt chất thải và ủ sinh học. Xu hướng từ 2020 trở đi, mỗi quận huyện phải trang bị ít nhất 1 lò đốt rác thải sinh hoạt, 2-3 lò đốt rác thải nguy hại.

Theo quyết định phê duyệt dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bố trí 155 tỉ đồng cho 7 dự án: hệ thống thu gom, hệ thống xử lý nước thải; 2 hệ thống/bồn trữ nước sạch; xây dựng lò đốt rác sinh hoạt tại xã đảo Thạnh An; xây dựng cầu tàu Tắc Xuất; trồng rừng thay thế diện tích rừng phòng hộ giảm khi chỉnh trang đô thị và dự án xây dựng trụ sở Ban chỉ huy Công an xã. (Tuổi Trẻ Online 14/9/2023)

Cầu Dần Xây bắc qua sông Cần Giờ. (Tuổi Trẻ Online, 27/8/2023).

Tại hội thảo “Cần Giờ xanh hướng tới đô thị sinh thái ven biển” ngày 16/8/2023, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. HCM đã đề xuất nhiều ý tưởng. Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá cao các ý tưởng về xây dựng Cần Giờ “5 xanh”: Công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh-sạch-hữu cơ, đô thị xanh, giao thông xanh.

TS. Trần Du Lịch đóng góp ý kiến tại Hội thảo – Ảnh: Vũ Phong – Trang thông tin Chính phủ.

Yêu cầu về “tuần hoàn” đối với mô hình nhà máy xử lý rác kiểu mới trong đô thị hiện đại

Ở phía đầu ra, các cơ sở mới phải được thiết kế với mục tiêu tái sử dụng chất thải và giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh. Nhà máy xử lý rác phát điện phải vận hành đúng công năng là một loại nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng mới, mang lại lợi nhuận về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, các khu công nghiệp. Lượng tro, xỉ thải ra từ các lò đốt công nghiệp và các nhà máy xử lý rác sinh hoạt có thể được các công ty tái chế như sản xuất gạch không nung mua lại làm nguồn nguyên liệu đầu vào, hoặc chuyển qua công đoạn tự sản xuất gạch không nung như một sản phẩm đầu ra của nhà máy xử lý rác. Năng lượng nhiệt và điện từ nhà máy đốt rác tạo ra có thể cung cấp cho hoạt động của chính nó, cung cấp cho các khu công nghiệp hoặc phối hợp với Tập đoàn Điện lực Quốc gia EVN hòa vào lưới điện.

Ý tưởng tuyệt vời hơn nữa, trong vai trò thiết kế kiến trúc đô thị hiện đại, có thể thiết kế các nhà máy này kết hợp với hoạt động tham quan, giải trí, thể thao, cộng đồng,… Việc cải tạo không gian và môi trường sống giúp biến đổi phong thủy xấu thành tốt, với sinh khí tươi tốt, nước không bị nhiễm độc, cây xanh và không khí lưu thông không khói bụi, người dân trở thành một phần năng động của quá trình, giúp nền kinh tế tuần hoàn sớm trở thành hiện thực.

Nhật Vinh

——————————————————–

Ghi chú: Xin liên hệ tổng đài để có thông tin tư vấn phù hợp. Mọi hình thức sao chép nội dung hay hình ảnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Công ty Lọc Công nghiệp Đạt Tín.

Tham khảo thêm:

Có thể Bạn quan tâm:

Sale 1 | Sale 2| |